Skip to main content

Học tiếng Nhật: Vì sao tôi bắt đầu? và Vì sao tôi tiếp tục?

Hôm nay mình sẽ kể một câu chuyện, đệm giữa những bài ngữ pháp tiếng Nhật khô khan, để bơm thêm nhuệ khí và nâng cao tinh thần cho các bạn đang trên hành trình chinh phục tiếng Nhật nhé.

Đây là câu chuyện về chính bản thân mình.

Mình sinh ra trong một gia đình không có thể gọi là "khá giả" ở một thành phố nhỏ miền trung Việt Nam. Mình không cho rằng gia đình mình thuộc diện "nghèo" (vì mình biết rất nhiều gia đình còn khó khăn hơn), dù rằng hằng năm mẹ mình đều viết đơn nộp Uỷ ban Phường để xin vay các khoản tiền nho nhỏ với lãi suất thấp, chỉ để trang trải tiền sinh hoạt và trả nợ lay lắt qua ngày. Đúng vậy, ngay trước khi mình đi Nhật, bố mình làm ăn thất bại để lại cho gia đình một khoản nợ không biết bao giờ và làm thế nào trả hết. Bực mình hơn cả, là sau thất bại đó, ông mất niềm tin vào cuộc đời, cả niềm tin vào chính mình... Ông từ bỏ trách nhiệm là trụ cột kinh tế gia đình dù rằng từ trước đến giờ bố là người đi làm duy nhất kiếm tiền cho mẹ ở nhà nuôi 4 đứa con nhỏ. Mình còn nhớ ngay hôm trước khi bay, cả nhà ngồi xếp hành lý cho đứa con gái duy nhất lần đầu tiên xa nhà, mẹ bao nhiêu lo lắng không nói thành lời cứ ngồi thở dài thườn thượt. Rồi bố mẹ tranh cãi chuyện gì đó mình không nhớ nữa, chỉ nhớ rằng câu cuối cùng mình nói với bố trước khi bay là: "Con sang bên đó cố học cố làm, có tiền đi chăng nữa cũng không bao giờ gửi về trả nợ cho ba đâu." Rồi từ lúc sang Nhật, bẵng đến tận mấy tháng sau mình mới bắt đầu nói chuyện lại với bố.

Nhiều người Nhật ở công ty thường hay nghĩ rằng mình là tiểu thư đài các của một danh gia vọng tộc ở Việt Nam, thế mới đủ tiền để cho con sang Nhật du học. Thường nghe thế mình cũng không đính chính nhiều, vì cũng chẳng muốn kể lể gia cảnh này nọ. Mình không đến nỗi phải vay mượn tiền để đi du học như một số các bạn khác. May mắn là mình học được và có một niềm yêu thích học hành tương đối, nên đã xin được một suất học bổng để đi du học. Và việc được sang Nhật, gần 15 năm trước, đúng là một sự kiện thay đổi hoàn toàn cuộc đời mình cũng như cuộc sống của cả gia đình mình ở VN. Không ai, kể cả mình, bố mẹ mình, có thể tưởng tượng ra được cả gia đình mình có thể thoát nghèo từ việc ...học của mình.

Mình cám ơn trời phật đã cho mình khả năng học được (khá nhỉnh hơn so với bạn bè đồng lứa) và niềm đam mê học tập (chắc do học khá). Nhưng hơn hết, mình phải cám ơn hai anh trai mình, hai người đã nhường hết tất cả phần trí tuệ thông minh cho cô em gái nhỏ. Hai anh trai mình không có khả năng học tập, tiếng Nhật gọi là 知的障害(ちてきしょうがい). Một dạng nhẹ của hội chứng Down nhưng may mắn không bị nặng đến thế, hai anh mình vẫn có thể tự ăn uống, đi lại, thay áo quần, nói năng, chỉ là không có khả năng học tập và làm việc mà thôi. Đây cũng là một trong những lý do khiến quan hệ giữa bố mẹ mình không tốt, khi bố và gia đình nội nhận ra rằng hai đứa cháu trai đích tôn (bố mình là con trai trưởng) không được như người bình thường.

Từ nhỏ mình đã được các cô bà chú bác thủ thỉ bên tai rằng, tuy là phận con gái, sinh thứ ba trong nhà, nhưng mình phải gánh vác trách nhiệm của con trưởng, phải lo cho hai anh trai, lo cho ba mẹ khi về già. Bởi vì rằng, mình có may mắn là được ...bình thường, có nghĩa là không bị bệnh như hai anh trai. Mình ý thức được những điều mọi người xung quanh nói từ khi mình có khả năng tự suy nghĩ, và nhận thấy rằng mình có thể đến trường, học cùng các bạn xung quanh trong lúc hai anh mình thì không (bố mẹ cũng đã tìm nhiều trường lớp để gửi đi nhưng đều bị trả về do hai anh không học được, quấy phá làm phiền các bạn khác). Và mỗi lần nhìn vào hai anh trai mình, mình đều bị thôi thúc bởi một "lời nguyền" rằng: con phải học, phải cố gắng, phải kiếm tiền, phải nuôi anh trai, phải nuôi bố mẹ. Và những tháng ngày tuổi thơ lớn lên chứng kiến những cơn cãi vã về tiền bạc của bố mẹ, mình đã tự dặn lòng rằng: phải kiếm tiền, phải có thật nhiều tiền, phải vượt qua sức mạnh của đồng tiền, phải chi phối đồng tiền chứ không để nó chi phối mình. Và tất cả những điều đó đã thôi thúc mình học (vì lúc đó việc duy nhất mình làm được là học). Mình phát triển khả năng tự học để không phải đi học nhiều lớp luyện thi hay học thêm (tiết kiệm tiền cho bố mẹ), và mục tiêu đề ra là phải đi du học. Mình sẽ chia sẻ về chuyện tự học ở một bài khác.

Những phấn đấu rồi cũng được đáp trả. Mình đậu được suất học bổng du học Nhật toàn phần - có nghĩa là bố mẹ mình không cần phải trả chi phí gì cho chuyến đi xa của con gái, vì mình chắc chắn rằng đến cả chiếc vé máy bay nhà mình cũng khó mà lo liệu. Mình còn được một suất du học Pháp bán phần. Dù rằng tiếng Pháp là ngôn ngữ mình học từ hồi cấp hai, nếu du học Pháp mình sẽ được học trực tiếp Đại học mà không cần một năm học tiếng, Pháp lại là nơi mà từ hồi năm lớp 6 - khi bắt đầu học tiếng Pháp - không đêm nào mà mình không mơ về với một ước ao được đặt chân đến ngắm tháp Effel và dòng sông Seine thơ mộng.

Nhưng dù là một suất học bổng bán phần, phần nửa còn lại tự túc cũng quá là khó khăn so với hoàn cảnh nhà mình. Thế nên, mình quyết định chọn suất học bổng đi Nhật - một nước tuy là châu Á gần VN hơn nhưng đối với mình thì hoàn toàn xa lạ. Mình nhớ lúc phỏng vấn ở ĐSQ, mình được hỏi "em nghĩ gì về nước Nhật? ("Tại sao em muốn đến Nhật?")", mình không thể trả lời nhiều hơn là mình chỉ biết đến Nhật qua bộ truyện tranh Đô-rê-mon (cũng không biết tên tiếng Nhật phải là Doraemon cơ). Các bác phỏng vấn phá lên cười, rồi thôi... không vặn vẹo nữa.

Mình đến Nhật khi không biết một chữ tiếng Nhật nào (à có học cấp tốc Hiragana 1 tháng trước khi đi, để xem mặt mũi chữ tiếng Nhật nó như thế nào). Mình nhớ lần đầu tiên học câu chào buổi sáng tiếng Nhật おはようございます, mình đọc trẹo cả lưỡi cũng không thể nào nói cả câu cho xuôi. Và mình khá ác cảm vì nghĩ sao thứ tiếng này dài dòng thế không biết. Tiếng Việt chỉ mỗi 3 chữ "chào-buổi-sáng", tiếng Anh chỉ mỗi "good-morning" mà sao tiếng Nhật lê thê thế... Mình đã không tự tin là mình có thể học nổi thứ tiếng này.

Thế nhưng tất cả lại hoá hay, vì khi mình không biết gì, mình như tờ giấy trắng, nên mình có thể học tiếng Nhật một cách chính thống từ những người bản xứ trong năm đầu tiên ở trường tiếng. Do mình được học từ các thầy cô người Nhật ngay từ lúc ban đầu, nên mình ít bị lỗi phát âm sai chữ つ hoặc âm じゃ、じ mà mình thấy người Việt hay mắc phải. Mình cũng ít bị namari (dịch sao ta?), tức là tiếng Nhật của mình không bị thêm dấu hoặc ngữ điệu quá mạnh của âm/tiếng địa phương. Namari là thứ làm cho tiếng Nhật của người nước ngoài khác với người Nhật. Mình thấy người Việt mình và người Trung Quốc thường có namari mạnh, chắc do tiếng Việt và tiếng Trung có dấu. Người Hàn Quốc ít namari nhất (nhưng không phải hoàn toàn không) chắc vì ngữ điệu tiếng Hàn gần tiếng Nhật. Người Âu Mĩ cũng có một ít namari nhưng khác hẳn với người châu Á, người nói chuẩn thì nghe rất mượt hầu như khó nhận ra namari, người mới học thì nghe câu cứ ngang ngang phè phè như kiểu người nước ngoài nói tiếng Việt vậy. Như vậy để thấy tiếng Nhật tuy không có dấu (phát âm mạnh) như tiếng Việt và tiếng Trung nhưng cũng không phải hoàn toàn là không có nhấn. Để nói chuẩn/hay tiếng Nhật hơn (hạn chế namari), mình nghĩ các bạn Việt Nam đầu tiên nên chú ý bỏ hết dấu đi (không sợ ngang phè phè đâu vì vốn tiếng mẹ đẻ của mình lên xuống như uốn lượn rồi). Lúc đầu mới học tiếng Nhật mình thấy các bạn người Việt học cùng, đặc biệt là các bạn miền bắc (có học trước một ít tiếng Nhật ở nhà) phát âm わたしは là "goà-ta-shi goá", lúc nào cũng thấy "goá" "goá" (dấu sắc) nghe rất nặng nề và rất ... Việt Nam :)) Nó không sai, nhưng chỉ bị quá lên tí xíu... làm tiếng Nhật của mình nói nghe rất khác với người Nhật.

Tiếng Nhật của mình sau một năm học trường tiếng chắc tầm xấp xỉ N3. Mình sau khi vào ĐH cũng bắt đầu xum xoe đi làm thêm để kiếm tiền (năm đầu học tiếng Nhật mình xác định chỉ học mà thôi, và cũng do ràng buộc học bổng không được đi làm thêm). Lúc đầu đi làm thêm thì vốn tiếng Nhật chưa nhiều, tự tin cũng chẳng có, nên chỉ dám xin những công việc chân tay ít dùng tiếng. Công việc baito (làm thêm) đầu tiên của mình là ...rửa bát cho một cửa hàng ăn. Đúng là chỉ làm việc chân tay, hàng ngày bưng mấy chục chồng bát đĩa cao và nặng trẹo lưng, tiếng Nhật chỉ dùng nhiều nhất là từ はい (yes) khi nghe bị sai việc. Lương mình lúc đó tầm 700 yên/h - đó là mức lương chung thấp nhất cho các công việc baito. Nói là thấp nhưng đổi ra tiền Việt thì vẫn là một mức giá quá cao, tội gì không làm? 

Mình làm công việc rửa bát này tầm 3 tháng nghỉ hè xong rồi thôi. Mình bỏ việc dù rằng ông chủ quán nhiều lần điện thoại kêu gọi mình đi làm lại vì thiếu người. Mình bỏ việc không phải vì công việc nhọc nhằn, mà là vì mình cảm thấy không được tôn trọng bởi cũng ông chủ quán cũng như những người cùng làm việc xung quanh. Ông chủ quán thấy mình ít nói tiếng Nhật nên nghĩ chắc mình không nói được nhiều, hoặc nghĩ mình hiền hoặc ...mình ngu, nên ông ấy rất hay xếp lịch làm cho mình những giờ trái khoáy hoặc vào ngày nghỉ dù rằng mình đã báo trước là hôm ấy mình bận học thi không làm được. Mình nhớ có hôm chủ nhật mình đang bận việc đi ra ngoài, dù cả tuần trước đó mình đã báo với ông và viết sẵn lên lịch ở quán là tuần đó mình bận không làm, vậy mà ông cứ réo rắt gọi điện thoại rồi nạt noạ đe doạ chỉ một câu lặp đi lặp lại là "phải tới quán làm ngay lập tức". Lúc đó mình sôi máu lắm, những nghĩ thân phận còn hèn mọn, vẫn nín nhịn xin lỗi lịch sự để hôm sau đi làm tiếp. Mình lúc đó đã hạ quyết tâm, mình phải học hơn ông kia, ít nhất tốt nghiệp đại học, xin vào làm công việc ổn định ở công ty to, lương cao hơn hẳn ông tenchou (chủ quán) đó!!! Đó là lý do sau khi xong ba tháng hè, mình nghỉ baito, quay lại trường lớp và càng ...học hành chăm chỉ hơn.

Mình bảo mình không được tôn trọng không chỉ bởi ông chủ quán mà còn bởi những người Nhật làm cùng xung quanh. Tuy họ cũng làm ở bếp như mình nhưng thái độ luôn luôn trịch thượng và hống hách, khi nào gọi mình cũng bằng おい (thằng kia, con kia) chứ chẳng bao giờ gọi tên, ăn nói thì cục súc. Mình thấy mình còn bị bắt ép vì mình không được phép nghỉ giải lao hoặc nghỉ ăn trưa như các đồng nghiệp khác, shift leader (người đứng đầu trong ca làm) luôn cố tình ...quên giờ nghỉ của mình vì các lý do như quán đông khách, ca mình làm thiếu người, hoặc là nghĩ ... mình chưa mệt. Mình cũng do chưa tự tin vốn tiếng Nhật, không thể (và không thèm) cãi tay đôi được nên toàn nín nhịn cho qua (dù rằng stress rất ức chế). Khi đó mình cứ nghĩ rằng do phận mình người nước ngoài đi làm thuê, họ cũng đi làm thuê giống mình nhưng họ là người Nhật nên tất nhiên họ ở địa vị cao hơn, nên cũng cố nín nhịn cho qua. Nhưng đến một ngày, mình thấy có một chị người Hàn quốc cũng làm ở quán giống mình, nhưng chị làm chạy bàn, tức bê cơm nước phục vụ khách (mình làm rửa bát ở bếp). Chị cũng người nước ngoài giống mình nhưng mình thấy chị được tôn trọng hơn (ít nhất không bị gọi "con này con kia" mà bằng tên rõ ràng). Thế là mình nghĩ không phải hoàn toàn do người Nhật khinh thường người nước ngoài, mà là có thể do mình tiếng Nhật kém, không thể làm những việc như phục vụ khách trực tiếp mà chỉ làm tay chân ở bếp, nên bị bắt nạt và chèn ép. Vậy là, một động lực nữa, rất chính đáng, thôi thúc mình học thêm tiếng Nhật, đó là để có thể tự tin làm công việc không chỉ phải dùng chân tay mà còn mồm miệng nữa.

Mình hạn chế giờ làm thêm lại, đầu tư học thêm tiếng Nhật (tự học bằng việc xem tivi, đọc sách). Mình nghĩ rằng, bây giờ mình mất chi phí cơ hội là tiền lương mấy giờ làm thêm trước mắt, nhưng nếu mình đầu tư đúng vào bản thân, nâng cao khả năng tiếng Nhật và kiến thức chuyên môn để 差別化(さべつか) tức "tạo sự khác biệt" với người Nhật, thì tương lai mình sẽ nhận về còn hơn thế nữa. Cái chính là phải có một nỗ lực và quyết tâm lớn, cộng với kỉ luật thép đối với bản thân để không lãng phí thời gian vào những việc như lướt web, tán dóc, đàn đúm... 

Công việc baito thứ hai của mình là làm ở コンビニ (cửa hàng tiện lợi). Mình qua vòng sát hạch khả năng nói tiếng Nhật xem có thể giao tiếp được với khách hàng hay không. Phải nói rằng đây là công việc đánh dấu sự tiến bộ vượt bậc trong khả năng nói/giao tiếp của mình. Vốn là đứa hay ngại ngùng, mở miệng nói tiếng Việt đã ngượng huống gì tiếng Nhật, nhưng vì luôn phải mở miệng dõng dạc "chào khách đến tiễn khách đi" nên mình đã vượt qua được rào cản "ngại nói" và miệng cũng trở nên trơn tru hơn. Làm cùng combini với mình có hai bạn người Trung Quốc nữa, nhưng lần này khác với lần trước, mình thấy sự đối xử của tenchou (chủ quán) và những đồng nghiệp người Nhật trong quán đối với mình và hai bạn người Trung Quốc, cũng như đối với các người Nhật khác là như nhau cả. Đây là lúc mình tái khẳng định rằng, không có sự phân biệt chủng tộc hay màu da, mà chỉ có sự phân biệt đối xử vì sự khác nhau trong khả năng và thái độ của từng người mà thôi. 

Lương combini của mình mỗi giờ là 800 yên. Sau khi làm tốt giữa chừng mình được nâng lên 850yên/h. Mình làm công việc này trong vòng 2 năm. Sau đó lại mài giũa tiếng Nhật để đi lên nấc thang mới. Bài toán đơn giản là: nếu bạn muốn kiếm 1 man = 10,000 yên, mà mỗi sản phẩm bạn bán được 100 yên thì bạn phải bán 100 sản phẩm. Còn nếu bạn bán được một sản phẩm 1000 yên, thì bạn chỉ cần bán 10 cái mà thôi. Chiến lược của mình là nâng cao giá mỗi sản phẩm, chứ không phải số lượng bán ra. Giống như nâng cao tiền lương hàng giờ 時給(じきゅう)chứ không phải tăng số giờ làm.

Việc làm thêm đầu tiên của mình là công việc chân tay (rửa bát), việc thứ hai là chân tay + mồm miệng (bán hàng), nên việc thứ ba của mình - theo chiến lược bản thân - là phải dùng thêm đầu óc. Mình ứng tuyển nhiều việc làm thêm, và được tuyển vào làm "đếm giấy". Haha, nghe "đếm giấy" chắc ít ai biết làm gì nhỉ. Thực ra đây là một dạng 事務職(じむしょく)tức việc bàn giấy, check tài liệu.... Mình làm ở bộ phận check các đơn đăng kí thẻ tín dụng, công việc khá đơn giản chỉ là check xem các lá đơn (viết tay) tiếng Nhật có đầy đủ các thông tin như tên, tuổi, nghề nghiệp, thu nhập... hay không thôi. Lá đơn nào đủ thì cho vào máy tính scan để lưu lại. Lá đơn nào thiếu thông tin thì chia ra thiếu thông tin gì để bộ phận khác liên hệ lại người viết đơn để hỏi. Nghe đơn giản nhỉ. Mà lương tận 1200yên/h cơ đấy. Lại được ngồi máy lạnh, trưa nóng cũng chẳng mất một giọt mồ hôi. Thật ra người Nhật họ cũng chỉ làm những việc đơn giản thế thôi. Quan trọng là họ nghe/đọc/nói được tiếng Nhật. Để được nhận vào đấy, mình phải trải qua một bài test tiếng Nhật "cơ bản" nhưng dành cho cả người Nhật và người nước ngoài vì đây là công việc tuyển chung (nhưng chủ yếu dành cho người Nhật chứ không phải dành cho người nước ngoài). Bài test toàn hỏi kanji và mấy thuật ngữ tiếng Nhật rất khó, may nhờ chăm chỉ xem thời sự nên mình cũng đoán hiểu được tầm 60~70%. Lúc thi về cũng nghĩ đề khó thế chắc tèo rồi, nhưng ai ngờ được gọi đi phỏng vấn. Và hai năm "luyện mồm" ở combini giúp mình trả lời trơn tru các câu hỏi cơ bản, thế là được nhận. Mình đã nhảy từ mức lương 700 -> 800/850 -> 1200 yên/h như thế đó. Tất cả chỉ nhờ khả năng tiếng Nhật ngày càng cao lên thôi.

Công việc "đếm giấy" không kéo dài lâu, vì nó yêu cầu ngày làm 8 tiếng mà mình còn phải bận học trên trường (mục tiêu cao cả là phải có kiến thức chuyên môn chứ không thể đi "đếm giấy" cả đời được), nên mình chỉ làm được lúc 3 tháng hè. Tuy nhiên, nó đã cho mình một niềm tự tin rất lớn lao, rằng mình cũng có thể làm việc tương đương với người Nhật. Mình không cần phải khúm núm tự ti với cái mác "người-nước-ngoài" nữa. Đấy là một sự trưởng thành rất lớn từ một con bé không biết một chữ tiếng Nhật, nói "ohayo gozaimasu" còn sai, thành một đứa tự tin đi làm công việc công sở cùng với người Nhật.


o0o

Đó là chặng đường phấn đấu của mình từ một người nước ngoài thấp cổ bé họng trở nên ngang hàng so với người Nhật. Mục tiêu tiếp theo của mình, đó là phải "差別化" tức là phải hơn được người Nhật. Nếu chỉ nói và viết tiếng Nhật giống được như người Nhật (cơ bản) thì bao nhiêu cố gắng của mình cũng chỉ mới bằng xuất phát điểm của người Nhật. Mình phải tận dụng những khả năng đặc biệt của mình mà người Nhật bình thường không có: đó là mình biết nói tiếng Việt, mình biết văn hoá Việt, mình biết sự khác nhau trong văn hoá Việt Nam và Nhật Bản... Ngoài vốn tiếng Việt, mình cũng đầu tư trau dồi khả năng tiếng Anh nữa, vì đa số người Nhật rất kém tiếng Anh.

Những công việc tiếp theo của mình là về biên phiên thông dịch Việt - Nhật (hai chiều) sau khi vốn tiếng đã lên cao. Lương tính theo giờ của mình lúc đó đã lên đến 3000 yên ~ 5000 yên tuỳ theo độ khó đòi hỏi. Người Nhật chắc hẳn cũng khó tìm được công việc lương theo giờ cao thế, nếu chỉ biết mỗi tiếng Nhật thôi. Tất nhiên đây không phải là dạng công việc bạn có thể làm dài giờ như rửa bát hoặc bán hàng, nhưng mình có sự chủ động hơn trong thời gian, mình có thể rút ngắn thời gian làm nếu kĩ năng của mình tăng cao hơn. Và thêm nữa, mình có được sự tôn trọng đặc biệt từ người Nhật làm cùng, không phải là ngang hàng, mà hơn một chút so với người Nhật bình thường, vì mình có thứ mà họ không có.


o0o

Hiện giờ, sau khi tốt nghiệp đại học và đã chính thức đi làm, mình không cần phải đi baito nữa. Giờ công việc hàng ngày cũng không đòi hỏi khả năng tiếng Việt của mình, nó chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn về chuyên ngành mình học ở ĐH, và đòi hỏi khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh vì mình đảm trách công việc toàn cầu, và tất nhiên bao gồm cả khả năng tiếng Nhật để làm việc với người Nhật. Tức là hiện giờ, mình không cần tận dụng "vốn-trời-cho" là tiếng mẹ đẻ của mình để có thể 差別化 (tạo sự khác biệt) với người Nhật nữa. Mình đã được xếp đứng trên những người lao động Nhật bình thường nhờ khả năng chuyên môn và nỗ lực học tiếng Anh của mình (không kể nỗ lực học tiếng Nhật - đối với mình đó cũng là một ngoại ngữ - nhưng thôi mình xem như đó là điều kiện cần và đương nhiên khi sống và làm việc tại Nhật). Thỉnh thoảng trong công ty mọi người quên mất việc mình là người nước ngoài, và mình hoàn toàn không nhận thấy bất kì sự đối xử phân biệt nào vì mình không phải là người Nhật cả. Bao nhiêu tủi nhục hồi mình đi rửa bát đã được đáp trả trọn vẹn, nhờ sự nỗ lực cố gắng của bản thân.

Đó là câu chuyện "đầy máu và nước mắt" (nghe ghê không) trong gần 15 năm vật lộn của mình nơi xứ người. Mình đã trả nợ được cho bố, đã gửi tiền về giúp gia đình sửa nhà, cho cậu em út đi học ĐH... Cả mình và gia đình đều không nghĩ rằng chuyến bay đi Tokyo 15 năm trước - lần đầu tiên mình xa nhà một mình, lần đầu tiên đi máy bay, lần đầu tiên xuất ngoại... đã là một bước ngoặt lớn như thế. Tất nhiên đó chỉ là một sự kiện, một mốc trên chặng đường, việc mình có được như ngày hôm nay là kết quả của một quá trình nỗ lực dài. Và mình hy vọng câu chuyện của mình có thể tiếp thêm động lực cho các bạn du học sinh, tu nghiệp sinh... đang ấp ủ giấc mơ du học, hay đang sống và làm việc tại Nhật. Không ngừng cố gắng. Biết đầu tư vào cái gì và lúc nào để có được kết quả mong muốn. Chúc các bạn "chân cứng đá mềm" nơi xứ người! - Taki Nihongo.



Comments

Popular posts from this blog

Học tiếng Nhật: Các Cấu Trúc Câu Cơ Bản của Tiếng Nhật

Bạn nào mới học tiếng Nhật sẽ thấy cấu trúc câu tiếng Nhật khá là ...kì dị. Bởi vì ngôn ngữ gì mà động từ lại để cuối câu, rồi lại thường nói trống không không có chủ ngữ nữa (với người Việt mình như thế còn là bất lịch sự nữa nhỉ). Thế nhưng học lâu rồi lại thấy ... quen dần với cấu trúc câu đó, bởi vì cũng quen dần với cách nói chuyện và văn hoá của người Nhật. Lần này mình sẽ mổ xẻ sâu hơn về cấu trúc câu tiếng Nhật. Nắm được các cấu trúc và quy tắc cơ bản này bạn sẽ có thể dễ dàng đặt câu mà không lo sai ngữ pháp. Bài này đặc biệt dành cho các bạn đang mới học tiếng Nhật trình độ N5 ~ N4 nhé. Trước khi vào chủ đề chính, cho mình lượn lờ vài dòng về văn hoá của người Nhật (đánh giá chủ quan thôi, don't be serious!). Vì sao trong câu tiếng Nhật, động từ lại đứng cuối câu?  Đó là vì tính người Nhật khá là ... nhu nhược (haha, vơ đũa cả nắm thôi, nhìn từ quan điểm ảnh hưởng của văn hoá lên ngôn ngữ). Đặt động từ cuối câu cho phép người Nhật có thể vừa nói vừa nhìn mặt đối phươ...

Học tiếng Nhật: Giải quyết rắc rối trợ từ「が」 hay 「は」? Khác nhau thế nào?

Vấn đề ngữ pháp mà người nước ngoài học tiếng Nhật thường dễ sai nhất là cách dùng các trợ từ が、は、を、に、で  v.v. Và trong các trợ từ này, việc phức tạp nhất là phân biệt được lúc nào dùng が , lúc nào dùng は . Kể cả đối với người Nhật, đây cũng là một vấn đề hóc búa mà ít người có thể có câu trả lời rõ ràng và khúc chiết được. Bài này mình sẽ chia sẻ với bạn trong những trường hợp nào thì: ①  chỉ dùng が mà không dùng は và ngược lại; ②  cùng câu đó nhưng nếu が và は đổi chỗ cho nhau thì ý người nói thay đổi như thế nào; qua 10 câu ví dụ cơ bản sau đây. Đầu tiên, hãy xem xét hai câu ví dụ tiếng Nhật đơn giản nhất dưới đây mà chắc chắn người mới học nào cùng hiểu nghĩa là gì.  1) 田中さん  が  来た。  2) 田中さん  は  来た。  Cả hai câu đều mang nghĩa "Anh Tanaka đến rồi", và đều đúng ngữ pháp. Vậy có bạn nào nhận ra sự khác nhau giữa が và は không?  ... Các bạn suy nghĩ xong chưa? Để mình giải thích nhé: 1) 田中さん  が  来た。 diễn tả một sự thật khách quan là "...