Nếu bạn nào đang trong quá trình chuẩn bị (trước khi bay vào giải đề như bài trước mình chia sẻ) thì đây là một số thông tin hữu ích về Kì thi Năng lực Tiếng Nhật cho bạn tham khảo.
- Đây là kì thi chính thức và có tính toàn diện, kết quả được công nhận rộng rãi cả trong và ngoài nước Nhật. Giống như tiếng Anh có TOEFL, TOEIC, IELTS, tiếng Pháp có bằng DELF và DALF, thì tiếng Nhật có - và may quá chỉ một - kì thi mang tên JLPT (Japanese-Language Proficiency Test). Trang web chính thức: https://www.jlpt.jp/ (có tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Trung).
- Kì thi được tổ chức 2 lần mỗi năm, tháng 7 và tháng 12; và được tổ chức trong và cả ngoài nước Nhật. Ở Việt Nam, bạn có thể đăng kí thi tại 4 địa điểm: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, và Thành phố Hồ Chí Minh. Hạn đăng kí thi thường đóng rất sớm trước thời gian thi vài tháng, nên các bạn đã nhắm kì thi nào thì nhớ dành thời gian theo dõi để đăng kí sớm. Phí thi tại Nhật là 5500 yên, mình không rõ phí thi ở nước ngoài thì bao nhiêu. Các bạn vào trang này để xem thông tin kì thi ở Việt Nam và các nước khác ngoài Nhật nhé.
- Đối tượng của kì thi này là những người không nói tiếng Nhật là tiếng mẹ đẻ - nói nôm na là dành cho người nước ngoài (tuy nhiên người có quốc tịch Nhật bản nhưng không phải là native speaker thì vẫn đăng kí đi thi được - theo như FAQ trên trang web. Mình thắc mắc sao họ kiểm tra được là native hay không native nhỉ?). Kì thi năng lực tiếng Nhật này khác với các kì thi khác cũng liên quan về tiếng Nhật như: 日本語検定 (にほんごけんてい) - gồm 7 cấp, đối tượng là tất cả mọi người nói tiếng Nhật (đa số là dành cho người Nhật native speaker), 漢字検定 (かんじけんてい thi kiểm định Kanji) - khỏi phải nói cái này cũng chỉ dành cho người Nhật (những người chăm và thích học Kanji - theo như mình thấy thì số lượng rất ít). Nói chung nếu mình là người nước ngoài thì cũng không cần quan tâm nhiều đến mấy kì thi này lắm, nhưng mình giới thiệu để các bạn phân biệt Kì thi Năng lực Tiếng Nhật JLPT với kì thi tiếng Nhật dành cho người Nhật (日本語検定) mà đôi khi nhiều người Nhật nhầm lẫn. Ở công ty mình, lúc mình bảo mình có bằng N1, gọi là ikkyu (cấp 1), mọi người trầm trồ lên bảo 日本語検定1級(にほんごけんてい いっきゅう)là ghê lắm í, đến người Nhật cũng ít ai thi đỗ. Mình nghe thế phải đính chính ngay và luôn là bằng của mình là 日本語能力試験 (にほんごのうりょくしけん)kì thi này chỉ dành riêng cho người nước ngoài thôi, không phải kì thi quái vật kia đâu.
- Kì thi được chia 5 cấp độ, đánh số từ 5 đến 1. N5 là dễ nhất, N1 là khó nhất. N5 và N4 ngang tầm trình độ người mới học tiếng Nhật trên trường lớp như một ngoại ngữ. N2 và N1 đòi hỏi nhiều kiến thức tiếng Nhật sử dụng trong đời sống thực tiễn, nên đòi hỏi cọ xát tiếng Nhật - nhất là tiếng Nhật hàng ngày chứ không phải tiếng Nhật trên sách vở - nhiều hơn. N3 là cấp giữa tiếng Nhật ở trường lớp và tiếng Nhật thực tiễn. Nhiều trường hoặc công ty yêu cầu bằng N3 là vì lý do đó: đã qua trình độ tiếng Nhật ở trường lớp và có thể tiếp thu, nghe hiểu tiếng Nhật ở đời sống thực tiễn.
- Ở cấp độ nào kì thi cũng chia làm 2 phần: đọc hiểu (bao gồm từ vựng, kanji, ngữ pháp, đọc hiểu trả lời đoạn văn) và nghe (nghe câu hỏi chọn tranh trả lời, nghe đoạn hội thoại chọn câu trả lời, nghe rồi trả lời câu hỏi). Điều đó có nghĩa là không có phần thi nói và viết - hai kĩ năng có thể nói là khó nhất trong công cuộc học ngoại ngữ, nhất là tự học. Đây là một điểm may mắn (bạn nào kém nói và viết nhưng nếu chăm luyện đề học thi vẫn có thể tự tin lấy bằng) nhưng đồng thời cũng là một điểm giới hạn cho kì thi này (có bằng chưa chắc đã nói và viết tốt). Tuỳ theo mục tiêu riêng của mỗi bạn, các bạn có thể tập luyện kĩ năng nói và viết bằng phương pháp khác. Tuy nhiên phần ngữ pháp, từ vựng bạn học được trong khi luyện JLPT chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều trong kĩ năng viết và cả kĩ năng nói (nếu bạn luyện nghe nhiều). Có nhiều lời đồn rằng người Nhật đang suy nghĩ về việc thêm kĩ năng nói và viết vào JLPT, không biết là tin tốt hay tin xấu. Nhưng vì cần nhiều thời gian để chuẩn bị (chủ yếu là khâu chấm thi, chứ ra đề thì đơn giản) nên tạm thời vẫn sẽ duy trì format reading and listening only trong vòng vài năm tới (bạn nào ngại nói và viết nhưng muốn lấy bằng thì tranh thủ nha).
- Số lượng người thi bằng này tăng nhanh trong vài năm gần đây, năm ngoài con số người đăng kí dự thi đã vượt 1 triệu. Tỉ lệ đỗ trung bình là 30%, tất nhiên cấp càng khó thì càng ít người đỗ hơn. Bằng cấp/chứng chỉ được cấp một lần sau kì thi (nếu bạn thi đỗ) và có giá trị vô-thời-hạn. Chứ không như IELTS chỉ có giá trị 2 năm, đúng là làm tiền con nhà người ta các bạn nhỉ (phí thi thì đắt lặt lè). Thế nên bạn nào có chí tiến thủ, muốn xin việc làm liên quan đến tiếng Nhật hoặc việc làm ở công ty Nhật ở Việt Nam và Nhật, hãy đặt tiêu chí lấy bằng N3 làm mục tiêu để đổi đời! Bắt đầu ngay từ bây giờ, cứ đi rồi sẽ đến!
Comments
Post a Comment
Thắc mắc về tiếng Nhật của bạn là gì?