Skip to main content

Bí kíp học tiếng Nhật "nhanh lên"?


Giống như bất kì một ngoại ngữ nào, dù là tiếng Anh hay tiếng Nhật, để nhanh tiến bộ, bí kíp duy nhất - và đúng với mọi hoàn cảnh, địa điểm, đối tượng - đó là học đủđúng cách.


Đầu tiên, thế nào là đủ? Một châm ngôn nổi tiếng nói rằng muốn nắm rõ hay thành thạo một lĩnh vực hay kĩ năng mới, bạn phải đầu tư ít nhất 10,000 (một vạn) giờ đồng hồ cho nó. Mình không có ý dùng câu này để bảo rằng nếu bạn chưa học đủ 1 vạn giờ tiếng Nhật thì bạn khó mà thành thạo được tiếng Nhật. Mình chỉ muốn khẳng định rằng, chăm chỉ là điều kiện cần (và càng cần hơn nếu bạn không phải là người có khiếu học ngoại ngữ hoặc trí nhớ tốt). Muốn đạt được một trình độ tiếng Nhật nhất định, bạn nhất thiết phải dành một thời gian nhất định đầu tư vào nó. Không có phương pháp hay bí kíp nào có thể giúp bạn chỉ học vài giờ hoặc vài buổi mà có thể đọc viết tiếng Nhật vèo vèo, bắn tiếng Nhật như gió (nên đừng tin vào các trang mạng hay các ứng dụng quảng cáo như thế nhé, kể cả tiếng Anh, tiếng Nhật hay tiếng Tây Ban Nha đi nữa, tất cả chúng đều là dối trá, lừa phỉnh những người hiền lành thích tin vào những điều phi thực tế - nhưng đầy lãng mạn - như bạn mà thôi). Vậy bí kíp thứ nhất là gì, mình nhắc lại một lần nữa (việc nhắc đi nhắc lại rất tốt trong việc học ngoại ngữ nhé), đó là chăm chỉ kiên trì. 

Lý do mình đề cập đến việc kiên trì là do có thể lúc mới đầu học, bạn sẽ thấy mình tiến bộ rất nhanh (ví dụ như từ trạng thái không-biết-gì đến trạng thái đọc được, viết được hiragana/katakana/vài chữ kanji đơn giản, nói được những câu chào hỏi thông thường) nhưng rồi đến lúc bạn thấy trình độ cứ ì ạch mãi không lên (nhất là khi muốn qua các ải N3/N2/N1). Bản thân mình cũng thế. Năm đầu tiên học ở trường tiếng Nhật là khoảng thời gian mình rất phấn khích vì tiếng Nhật tiến bộ rất nhanh. Trình độ của mình sau năm đầu tiên có thể khoảng giữa N3 và N2. Thế nhưng, từ sau đó mình cảm giác tiếng Nhật không lên mấy nữa, kanji thì quá nhiều chữ khó không thể thuộc hết, người Nhật thì nói quá nhanh mà đôi lúc dùng nhiều từ mình không biết, sakubun (bài tập làm văn, dạng essay tiếng Nhật) thì lúc nào cũng bị sửa đỏ cả bài... nói chung là nản lắm. Nhưng (lại nhưng) sau khoảng hơn một năm duy trì, đến một hôm mình nhìn lại những bài sakubun hồi năm ngoái viết, sao thấy tiếng Nhật mình hồi đó ngô nghê làm sao (dù rằng mình nhớ lúc viết bài đó mình đã vận dụng hết mấy trăm phần trăm công lực tiếng Nhật rồi). Và đó chính là lúc mình nhận ra được mình đã tiến bộ nhiều trong một khoảng thời gian dài, tuy chậm, nhưng thực sự đã tiến lên. Vì vậy, việc học đòi hỏi sự kiên trì là ở đó. Nếu như bạn thấy rằng khả năng của mình tiến rất chậm trong khoảng thời gian này, yên tâm đi, đó chính là dấu hiệu cho thấy bạn đang đi lên một nấc thang mới trong hành trình chinh phục ngôn ngữ này đấy. Thông thường càng lên trình độ cao thì càng thấy mình tiến bộ chậm hơn.


Những bạn đọc đến đây (ít nhất bạn đã rất kiên trì!) có thể sẽ hơi thất vọng vì bí kíp của mình quá sức là cũ rích và là cái ai-cũng-biết-rồi (nhưng rất ít người thực hiện). Và nếu bạn nào tinh ý (mình có thể gọi là có năng khiếu ngoại ngữ) sẽ thấy rằng chăm chỉ và kiên trì là bí kíp thứ nhất của mình. Nếu vậy, bạn sẽ hỏi, bí kíp thứ hai là gì? Vâng, như mình đã nói ngay từ đầu, bí kíp để học tiếng Nhật (hay bất cứ ngoại ngữ hay thứ gì khác) đó là đủđúng (cách). Bí kíp thứ hai này dành cho những bạn đã thực hành và quán triệt bí kíp thứ nhất (chăm chỉ và kiên trì). Bạn đã sẵn sàng bỏ hàng giờ online facebook hoặc đi mua sắm hay đá bóng để ngồi vào bàn học tiếng Nhật, đã quằn quại đánh vật với hàng chục giáo trình mà thấy tiếng Nhật vẫn không khá lên mấy. Mình ghi nhận sự cố gắng của bạn, cái bạn cần thêm chỉ cần là một kim chỉ nam để đi đúng hướng.





Mình biết rằng con đường nào rồi cũng dẫn đến Rome, nhưng nếu được, mình sẽ chọn đi con đường ngắn hơn. Và mình xin chia sẻ nó với những bạn cũng đang trên hành trình chinh phục tiếng Nhật như mình. Sau đây là hai bước bạn cần làm, ngay bây giờ, để xác định lộ trình mà mình muốn đi:


1. Hiểu rõ trình độ hiện tại của mình. 

  • Trình độ có thể chia theo các cấp: sơ cấp (dưới N5) / N5 / N4 / N3 / N2 / N1 / Trên N1 nhưng dưới người Nhật
  • Cách xác định trình độ: Làm thử các test mẫu theo từng trình độ ở trang JLPT (link), từ N5 đến N1 nếu bạn không mường tượng được mình đang ở trình độ nào. Nếu test nào bạn đúng trên 90% thì bạn có thể yên tâm mình đã qua cấp đó, và có thể hướng đến cấp tiếp theo cao hơn.
2. Xác định mục tiêu cho trình độ tiếp theo mà mình muốn chinh phục, kèm thời gian cụ thể. 

  • Ví dụ như bạn đang ở N4 và đặt mục tiêu chinh phục N3 vào cuối năm nay chẳng hạn. Gợi ý ở đây là bạn nên cố gắng thực tế và cụ thể trong việc xác định đích đến. Nếu bạn đang ở N4 mà ngay lập tức muốn lên N1 thì hơi khó. Nhảy vượt cấp chỉ dành cho vận động viên Olympic, còn người bình thường, sẽ an toàn hơn nếu chúng ta đi từng bước một. Không phải không lý do gì mà người Nhật (nổi tiếng là làm việc rất cẩn trọng và không bỏ sót) mất công thiết kế N3 và N2 ở giữa N4 và N1.
  • Việc xác định mốc thời gian cụ thể cho một mục tiêu cụ thể không những giúp bạn có một kế hoạch học hiệu quả (phân chia thời gian hợp lý), mà còn có tác dụng tích cực lên tâm lý, thúc đẩy bạn hành động để đạt đến nó. Vì lúc đó, trong tiềm thức bạn có thể tưởng tượng mình sẽ sung sướng thế nào khi đạt được mục tiêu - ví dụ bằng N3 vào cuối năm - và sẽ vẽ ra bao viễn cảnh tươi đẹp như có thể xin đi du học Nhật, xin việc làm liên quan đến tiếng Nhật... Đây còn là yếu tố giúp bạn thực hiện được bí kíp đầu tiên: chăm chỉ và kiên trì (tự bảo với lòng: chỉ cần cố đến hết năm nay thôi - được N3 rồi sang năm cố tiếp hihi)
Sau khi đã xác định được điểm xuất phát và đích đến, việc tiếp theo là đi thôi. Nhưng, muốn đi đường ngắn nhất thì cần bản đồ. Muốn học hiệu quả nhất thì cần phương pháp đúng. Mình chia sẻ cách học mà cho đến giờ, không chỉ với mỗi tiếng Nhật mà với cả tiếng Anh (mình thi IELTS 7.5 và điểm TOEIC 965 nhé), mình thấy rất hiệu quả. đó là: giải đề - càng nhiều càng tốt, cái câu "số lượng làm nên chất lượng" rất chính xác ở đây (còn nếu nói theo ngôn ngữ Mác-Lênin là "chuyển hoá đủ về lượng sẽ dẫn đến chuyển hoá về chất" :D)

(À quên, không biết mình đã nói là mình cũng có N1 cách đây mấy năm rồi chưa nhỉ, hiện tại thì mình đang sống và làm việc ở Nhật.)

Các ưu điểm của việc học bằng cách giải đề là:

  • Bám sát mục tiêu cần đạt - bạn sẽ không phải mất thời gian làm quen với các dạng đề thi nữa vì bạn đã luyện tập với nó hàng ngày rồi.
  • Kết quả dễ thấy, vì khi đối chiếu câu trả lời của bạn với đáp án, bạn sẽ biết tỉ lệ đúng sai của mình bao nhiêu, và biết lúc nào thì mình sẵn sàng để đăng kí đi thi.
  • Có thể tự học, nếu có đề và lời giải (để đối chiếu kết quả) trong tay. Bạn chăm chỉ thế nào, sẽ được thành quả thế ấy.
  • Hạn chế cảm giác buồn chán và nản khi chỉ học tập trung một mảng như một lô lốc ngữ pháp khô khan hoặc một đống kanji khó nhằn mà không biết thực tế được dùng như thế nào. Một đề thi bao giờ cũng là một tổ hợp hoàn hảo gồm đủ các yếu tố từ vựng, ngữ pháp, kanji, bài nghe...
Ở đây mình muốn nhấn mạnh mục đích của chúng ta là học thông qua việc giải đề chứ mục đích không phải là giải đề, để hạn chế các bạn sa lầy vào việc chỉ làm càng nhiều đề càng tốt, cố gắng nhớ (học thuộc lòng) câu trả lời mẫu mà không hiểu các yếu tố ngữ pháp/từ vựng... để trả lời nó. Các bạn biết đấy, người Nhật thì rõ là quá đủ khôn ngoan và thừa thời gian để soạn ra bao nhiêu đề mới, đảm bảo rằng không có lần nào bạn đi thi mà có câu hỏi giống hệt với câu trong đề mẫu bạn đã làm. Tuy nhiên, nếu bạn hiểu được lý do vì sao chọn đáp án A mà không phải là B, C trong đề mẫu, thì bạn cũng có thể làm điều tương tự với đề thi thật.

Vậy, khi học thông qua việc giải đề, bạn cần chú ý những điều gì?

  1. Chọn đề mẫu đúng trình độ hiện tại, nâng dần theo thời gian nếu bạn thấy đã có thể trả lời tự tin hơn 80% câu hỏi ở đề đó. Việc này mình thấy tiếng Nhật dễ hơn tiếng Anh vì đề đã phân cấp từ N5 đến N1 (độ khó tăng dần), nên việc học dễ hơn là một đề chung nhất như TOEIC, TOEFL hoặc IELTS. Một đề thi bao gồm hai phần đọc và nghe. Bạn có thể chia ra mỗi phần riêng để học: giả sử nếu bạn tự tin trả lời đúng hết 80% phần thi đọc hiểu của N3, nhưng có khó khăn về phần nghe của N3 thì hãy chú tâm luyện phần thi nghe của N3 đến khi nào tự tin qua hết thì hãy nâng lên N2.
  2. Dành thời gian để tự trả lời trước khi xem lời giải. Nếu bạn đang bắt đầu với một trình độ mới thì có thể không giới hạn thời gian suy nghĩ, khi quen dần thì tính thời gian cho câu trả lời giống với lúc thi thật. Lúc bạn tự trả lời là lúc bạn vận dụng hết các nơ-ron gợi nhớ lại và xử lý các kiến thức mà mình đã học - não bạn sẽ ở trạng thái active tốt nhất để học. Sẽ có những câu bạn trả lời chắc chắn, những câu bạn do dự phỏng đoán, và những câu mà bạn chọn bừa vì câu hỏi quá mới/quá khó. Dù sao đi nữa, hãy cứ chọn một câu trả lời rồi đi xuống bước tiếp.
  3. Đối chiếu câu trả lời của bạn với lời giải, từng câu một, ngay sau khi bạn tự trả lời xong, chứ đừng để làm hết một lèo rồi mới đối chiếu (cái này chỉ áp dụng sau khi bạn đã qua một số đề và tự tin thử thách bản thân ở chế độ tự-thi-thử để biết mình sẵn sàng bao nhiêu cho kì thi thật). Những câu bạn trả lời đúng xem như để ôn và củng cố lại kiến thức cũ, lấy thêm tự tin để tiến bước (quan trọng phết đấy - thử nghĩ làm một đề mà không đúng câu nào thì ...chỉ muốn đắp chăn đi ngủ, mai tính tiếp). Những câu bạn vận dụng hết công lực ...phỏng đoán thì dù câu trả lời đúng hay sai, hãy mở vở và ghi chép câu hỏi và câu trả lời lại. Nếu chăm thì có thể tra thêm google hoặc sách ngữ pháp, từ điển... tìm hiểu về cấu trúc ngữ pháp, cách dùng từ vựng, ngữ cảnh... để hiểu vì sao trả lời như vậy và có thể trả lời đúng nếu gặp câu hỏi tương tự trong tương lai. Mình nói rằng đề thi không có câu nào giống câu nào 100%, nhưng các dạng ngữ pháp, từ vựng, cấu trúc thì hầu như không thay đổi; nên nếu bạn gặp 5 câu hỏi khác nhau nhưng về cùng một cấu trúc ngữ pháp, bạn có thể phỏng đoán trong 2-3 lần đầu, đến lần thứ 4 hoặc 5 thì bạn sẽ tự tin hơn về câu trả lời của mình.
  4. Sau khi làm hết đề thì đọc lại ghi chép về những câu mà bạn đã trả lời sai hoặc phỏng đoán. Chỉ cần ghi những câu trả lời sai, những câu đúng 100% thì có thể bỏ qua để đỡ mất thời gian.
  5. Trước khi giải đề tiếp theo thì mở vở xem lại những câu hỏi trong lần giải đề trước mà mình chưa làm được, cố nhét nó vào đầu một lần nữa (mấy cái liên quan đến ngoại ngữ thì chỉ nhét một lần thôi không được đâu). Nếu trong lần giải đề mới bạn thấy câu gần giống đề cũ thì lật vở lại để xem, tổng kết nó thành một dạng câu hỏi cho riêng mình. Và cuốn vở của bạn sẽ trở thành bí kíp Cửu Âm Chân Kinh của bạn, trước khi thi thật chỉ cần lật vở ôn lại những gì bạn đã ghi chép là được. Mình đảm bảo cuốn chân kinh này ngắn gọn và hiệu quả hơn bất kì giáo án nào, vì nó đã được đo ni đóng giày cho riêng bạn, và do chính bạn soạn và ghi chép.
5 bước trên mình khái quát quá trình tự học tiếng Nhật, nhằm giúp bạn nào có ý chíquyết tâm. Để hỗ trợ các bạn, mình sẽ cố gắng thu lượm các đề mẫu từng trình độ N5, N4, N3, N2, N1 và chia sẻ ở trang này để các bạn có thể tự luyện. Mình cũng sẽ chia sẻ các video nhỏ mô tả quá trình giải một số đề mẫu, giải thích các điểm ngữ pháp... cho những câu hỏi khó mà các bạn có ngồi đoán mãi cũng không hiểu vì sao câu trả lời là thế (mình gặp trường hợp này nhiều rồi, và ước gì lúc đó có ông bụt/cô tiên nào hiện ra giải thích nhanh và dễ hiểu cho mình. Giờ thi xong rồi mình sẽ làm ông bụt, à không bà tiên, giúp các bạn đang học thi).




P/s: Các bạn cũng có thể để lại comment hỏi về các vấn đề ngữ pháp mà các bạn thắc mắc, mình sẽ cố gắng giải thích trong khả năng có thể. Nếu có bạn nào đang muốn luyện essay (sakubun) và muốn có người sửa bài, mình cũng sẵn sàng giúp. Chỉ cần bạn cố gắng, cả vũ trụ sẽ chung tay giúp đỡ (và mình rất vui nếu được cống hiến một phần nhỏ trong vũ trụ đó).

Chúc các bạn may mắn và thành công trên con đường chinh phục ngôn ngữ xứ Phù Tang - Taki Nihongo.

Comments

Popular posts from this blog

Học tiếng Nhật: Các Cấu Trúc Câu Cơ Bản của Tiếng Nhật

Bạn nào mới học tiếng Nhật sẽ thấy cấu trúc câu tiếng Nhật khá là ...kì dị. Bởi vì ngôn ngữ gì mà động từ lại để cuối câu, rồi lại thường nói trống không không có chủ ngữ nữa (với người Việt mình như thế còn là bất lịch sự nữa nhỉ). Thế nhưng học lâu rồi lại thấy ... quen dần với cấu trúc câu đó, bởi vì cũng quen dần với cách nói chuyện và văn hoá của người Nhật. Lần này mình sẽ mổ xẻ sâu hơn về cấu trúc câu tiếng Nhật. Nắm được các cấu trúc và quy tắc cơ bản này bạn sẽ có thể dễ dàng đặt câu mà không lo sai ngữ pháp. Bài này đặc biệt dành cho các bạn đang mới học tiếng Nhật trình độ N5 ~ N4 nhé. Trước khi vào chủ đề chính, cho mình lượn lờ vài dòng về văn hoá của người Nhật (đánh giá chủ quan thôi, don't be serious!). Vì sao trong câu tiếng Nhật, động từ lại đứng cuối câu?  Đó là vì tính người Nhật khá là ... nhu nhược (haha, vơ đũa cả nắm thôi, nhìn từ quan điểm ảnh hưởng của văn hoá lên ngôn ngữ). Đặt động từ cuối câu cho phép người Nhật có thể vừa nói vừa nhìn mặt đối phươ...

Học tiếng Nhật: Giải quyết rắc rối trợ từ「が」 hay 「は」? Khác nhau thế nào?

Vấn đề ngữ pháp mà người nước ngoài học tiếng Nhật thường dễ sai nhất là cách dùng các trợ từ が、は、を、に、で  v.v. Và trong các trợ từ này, việc phức tạp nhất là phân biệt được lúc nào dùng が , lúc nào dùng は . Kể cả đối với người Nhật, đây cũng là một vấn đề hóc búa mà ít người có thể có câu trả lời rõ ràng và khúc chiết được. Bài này mình sẽ chia sẻ với bạn trong những trường hợp nào thì: ①  chỉ dùng が mà không dùng は và ngược lại; ②  cùng câu đó nhưng nếu が và は đổi chỗ cho nhau thì ý người nói thay đổi như thế nào; qua 10 câu ví dụ cơ bản sau đây. Đầu tiên, hãy xem xét hai câu ví dụ tiếng Nhật đơn giản nhất dưới đây mà chắc chắn người mới học nào cùng hiểu nghĩa là gì.  1) 田中さん  が  来た。  2) 田中さん  は  来た。  Cả hai câu đều mang nghĩa "Anh Tanaka đến rồi", và đều đúng ngữ pháp. Vậy có bạn nào nhận ra sự khác nhau giữa が và は không?  ... Các bạn suy nghĩ xong chưa? Để mình giải thích nhé: 1) 田中さん  が  来た。 diễn tả một sự thật khách quan là "...

Học tiếng Nhật: Vì sao tôi bắt đầu? và Vì sao tôi tiếp tục?

Hôm nay mình sẽ kể một câu chuyện, đệm giữa những bài ngữ pháp tiếng Nhật khô khan, để bơm thêm nhuệ khí và nâng cao tinh thần cho các bạn đang trên hành trình chinh phục tiếng Nhật nhé. Đây là câu chuyện về chính bản thân mình. Mình sinh ra trong một gia đình không có thể gọi là "khá giả" ở một thành phố nhỏ miền trung Việt Nam. Mình không cho rằng gia đình mình thuộc diện "nghèo" (vì mình biết rất nhiều gia đình còn khó khăn hơn), dù rằng hằng năm mẹ mình đều viết đơn nộp Uỷ ban Phường để xin vay các khoản tiền nho nhỏ với lãi suất thấp, chỉ để trang trải tiền sinh hoạt và trả nợ lay lắt qua ngày. Đúng vậy, ngay trước khi mình đi Nhật, bố mình làm ăn thất bại để lại cho gia đình một khoản nợ không biết bao giờ và làm thế nào trả hết. Bực mình hơn cả, là sau thất bại đó, ông mất niềm tin vào cuộc đời, cả niềm tin vào chính mình... Ông từ bỏ trách nhiệm là trụ cột kinh tế gia đình dù rằng từ trước đến giờ bố là người đi làm duy nhất kiếm tiền cho mẹ ở nhà nuôi ...